Từ sau đợt cập nhật thuật toán của Google vào tháng 8 năm 2018, thuật ngữ E-A-T được nhiều người quan tâm hơn (đặc biệt là các SEOer). Bởi E-A-T tập trung vào đánh giá chất lượng nội dung trên website, tác động đến thứ hạng từ khóa trên bảng xếp hạng tìm kiếm. Vậy E-A-T là gì và được ứng dụng vào xây dựng Content Marketing như thế nào để tạo nội dung mang lại giá trị bền vững?
1. E-A-T là gì? Các yếu tố trong E-A-T
E-A-T được viết tắt bởi ba từ: Expertise (Chuyên môn), Authority (Thẩm quyền), Trustworthiness (Đáng tin cậy), đại diện cho việc nuôi dưỡng website của mình trở thành một thương hiệu cung cấp các thông tin chuyên sâu, chính xác và đáng tin cậy cho khách hàng.
Để hiểu rõ hơn về E-A-T, GOBRANDING sẽ giúp bạn phân tích cặn kẽ ba yếu tố trên:
- Expertise (Chuyên môn)
Tính chuyên môn chính là trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể. Đồng nghĩa với việc trong lĩnh vực của mình bạn phải xây dựng hình tượng là một chuyên gia.
Trên website, điều này được thể hiện thông qua việc xây dựng Content Marketing. Một nội dung được đánh giá có tính chuyên môn cao thường cung cấp những kiến thức sâu và rộng về chủ đề đó. Hoặc khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác, nội dung của bạn mang lại nhiều giá trị cho khách hàng.
Ví dụ: Trên một website về sức khỏe, khi viết về một chủ đề liên quan đến phương pháp chữa bệnh gai cột sống, bạn cần đảm bảo thông tin trong bài viết mang tính chuyên môn và phải cực kỳ chính xác.
Tính chuyên môn không chỉ được thể hiện ở trình độ kiến thức, mà còn dựa trên kinh nghiệm của bản thân.
Ví dụ: Khi hỏi về triệu chứng của bệnh đau dạ dày, có thể một người từng là bệnh nhân mắc phải căn bệnh này sẽ đưa ra các biểu hiện chính xác hơn kiến thức của một bác sĩ.
- Authority (Thẩm quyền)
Yếu tố thẩm quyền dùng để xác minh mức độ chính xác của nội dung. Thông thường, Authority được xác minh dựa trên những cá nhân/tổ chức có tầm ảnh hưởng là các chuyên gia, hoặc các công ty, website có mức độ uy tín cao trong một lĩnh vực nào đó.
Ví dụ: Cũng với nội dung về chủ đề bên trên nhưng được viết bởi một bác sĩ chuyên khoa và một nhà báo, thì yếu tố thẩm quyền ở bài viết của bác sĩ sẽ cao hơn.
Thẩm quyền của nội dung có thể được đánh giá thông qua các backlink, đề cập, chia sẻ, đánh giá tốt từ các chuyên gia.
- Trustworthiness (Đáng tin cậy)
Mức độ tin cậy dùng để kiểm chứng xem nội dung, thông tin trên website và thương hiệu của bạn có đáng tin và làm hài lòng khách hàng không. Tạo được độ tin cậy cao trên website phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, tuy nhiên cung cấp thông tin đúng sự thật và chính xác đóng vai trò quan trọng nhất.
Độ tin cậy cao không chỉ giúp bạn tạo được niềm tin tốt với người dùng, mà còn cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng tìm kiếm. Bởi lẽ, mọi nỗ lực của Google trên bảng xếp hạng tìm kiếm đều hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao trải nghiệm khách hàng trên công cụ này.
Ví dụ: Giá của một chiếc điện thoại iphone 11 rơi vào khoảng 20 triệu, tuy nhiên trên website của một cửa hàng kinh doanh lại ưu đãi giảm đến 50% chỉ còn khoảng 10 triệu. Mức giá này dường như quá thấp so với thực tế, khiến người dùng cảm thấy nghi ngờ về chất lượng sản phẩm và mức độ uy tín của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, nâng cao trải nghiệm khách hàng trên website hay toàn bộ quá trình mua hàng cũng là một cách hiệu quả để tạo độ tin tưởng cho khách hàng.
Tóm lại, E-A-T bao gồm những yếu tố giúp website và thương hiệu của bạn tăng điểm chất lượng với Google. Đồng thời đối với người dùng, thương hiệu trở nên đáng tin cậy hơn, mang lại lượng khách hàng bền vững.
2. Tác động của E-A-T đến SEO
Google đưa ra ba yếu tố trong E-A-T nhằm mục đích cải thiện chất lượng nội dung trên website. Bởi lẽ với một nội dung kém chất lượng, không có chuyên môn, không được xác thực và kiểm chứng rất khó để giữ chân người truy cập. Lúc này, họ sẽ lập tức đi tìm một trang web khác có nội dung tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm thông tin. Và một khi khách hàng rời bỏ website ngay sau khi truy cập sẽ khiến Google đánh giá thấp nội dung của bạn.
Như Google từng công bố, nội dung là một trong ba yếu tố chính để công cụ này đánh giá xếp hạng kết quả tìm kiếm. Cho nên nếu bạn đầu tư vào xây dựng Content Marketing cho website thật chất lượng, đảm bảo theo các yếu tố trong E-A-T, thì nội dung đó sẽ mang lại lượng truy cập bền vững cho website (vì nó có chuyên môn cao, được thẩm định có chất lượng tốt và tạo được uy tín cho khách hàng). Đồng thời vị trí xếp hạng của website cũng được cải thiện trên kết quả tìm kiếm.
Nhìn chung, E-A-T có tác động mạnh đến thứ hạng của tất cả các website khi làm SEO, đặc biệt là các trang web thuộc loại này của Google: Your Money or Your Life (YMYL).
Vậy trang web YMYL là gì?
Trang web YMYL (Your Money or Your Life) là các website có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc, tài chính, sự an toàn hay cuộc sống của bạn.
Ví dụ về các trang YMYL như: website tư vấn tài chính, website của một bệnh viện, website của một công ty về dịch vụ pháp luật,…
Vì sao E-A-T lại tập trung vào các trang YMYL?
Nội dung trên các trang YMYL thường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống và tiền bạc của người dùng. Cho nên các trang này không chỉ yêu cầu nội dung phù hợp, giúp ích cho người dùng, mà cần đảm bảo tính chính xác của thông tin đưa ra, không gây tổn thương đến những người tiếp nhận thông tin. Chẳng hạn:
Nếu bạn chỉ tìm kiếm các thông tin thông thường như những loài hoa đẹp nhất thì E-A-T không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tìm kiếm. Bởi lẽ tùy vào cảm nhận của từng người sẽ đánh giá những loại hoa mà Google đưa ra có thể đẹp hoặc không. Các kết quả tìm kiếm này hầu như không ảnh hưởng đến lợi ích hay sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên, nếu giả sử bạn tìm cách sử dụng thuốc Paracetamol thì lúc này E-A-T đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu Google đưa ra những kết quả thiếu chính xác, được viết bởi các copywriter hay nhà văn nhưng không kiểm chứng và xác thực, thì thông tin này rất dễ làm ảnh hưởng tới người đọc. Bởi nội dung này không có tính chuyên môn và không được xác minh, nên khi áp dụng sẽ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của con người.
Do đó, nếu trang web của bạn thuộc YMYL thì việc xây dựng Content Marketing đảm bảo các tiêu chuẩn của E-A-T càng quan trọng hơn đối với Google. Dưới đây, GOBRANDING sẽ hướng dẫn bạn cách ứng dụng E-A-T để xây dựng Content Marketing bền vững.
3. Cách xây dựng Content Marketing bền vững theo tiêu chuẩn của E-A-T
Muốn nội dung trên website được sử dụng một cách lâu dài và bền vững, trước tiên nội dung đó cần đảm bảo chất lượng và mang lại giá trị cho người đọc. Và theo Nguyên tắc đánh giá chất lượng tìm kiếm, E-A-T là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng của một trang web. Vậy làm sao để xây dựng Content Marketing bền vững, đáp ứng được 3 tiêu chí của E-A-T?
3.1. Expertise – Chuyên môn
Theo như định nghĩa ban đầu, chuyên môn chính là những kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, kiến thức chuyên môn chưa đủ để giúp website của bạn thu về lượng truy cập bền vững. Mà bên cạnh đó, bạn cần thể hiện những kiến thức này sao cho thật thu hút người dùng và chuyên nghiệp như một chuyên gia:
- Nghiên cứu từ khóa để biết được khách hàng mình đang tìm kiếm điều gì và hiểu được ý định của người dùng đằng sau mỗi cụm từ đó.
- Sau đó sử dụng những hiểu biết của mình để giải đáp được thắc mắc của họ và cố gắng cung cấp những thông tin vượt qua cả sự mong đợi của khách hàng.
Ngoài ra, đằng sau mỗi cụm từ tìm kiếm sẽ có nhiều loại nhận thức về thông tin, sản phẩm khác nhau (chưa biết gì, đã tìm hiểu qua, đã từng trải nghiệm,…). Nhiệm vụ của một chuyên gia chính là truyền tải thông tin (thông qua xây dựng Content Marketing) đến người dùng một cách dễ hiểu nhất (không dùng quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành hoặc nghĩa bóng), để ngay cả những người chưa biết gì vẫn hiểu và nắm được nội dung của bạn.
Tùy thuộc vào từng loại website mà tính chuyên môn sẽ được áp dụng phù hợp:
- Với các trang YMYL đòi hỏi nội dung phải mang tính chuyên môn hóa, chính xác 100%: pháp luật, sức khỏe, y tế, tài chính,…
Ví dụ: Với từ khóa vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền, nội dung cần đảm bảo thông tin chính xác bằng cách dựa theo các bộ luật, nghị định được ban hành.
- Với các trang không thuộc YMYL cần nhiều kiến thức chuyên môn hằng ngày hay kinh nghiệm cá nhân hơn: website chia sẻ kinh nghiệm, website là diễn đàn,…
Ví dụ: Với từ khóa review kem chống nắng Cell Fusion C, nội dung không bắt buộc phải đưa ra chính xác thành phần bên trong. Nhưng nhất định bạn phải đưa ra được cảm nhận của cá nhân sau khi sử dụng.
Sau cùng, bạn cũng đừng nên ngần ngại việc liên kết nội bộ các bài viết trong cùng chủ đề với nhau nhằm giúp người dùng dễ dàng truy cập hơn. Đây cũng là một cách giúp website của bạn trở thành một nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và có tính chuyên môn cao với nhiều nội dung phân tích chuyên sâu trong cùng một chủ đề.
Ví dụ: Với chủ đề Từ khóa trong SEO, ở cuối bài viết SEO từ khóa là gì, GOBRANDING còn gắn thêm hai liên kết khác thuộc bài:
-
-
- Làm thế nào để SEO từ khóa lên top Google?
- Nên làm SEO từ khóa có dấu hay không dấu?
-
để phân tích sâu hơn các kiến thức trong chủ đề này.
3.2. Authority – Thẩm quyền
Yếu tố thẩm quyền đầu tiên cho nội dung trên website là bạn phải chứng minh được tính chuyên gia trên chính nội dung của mình. Để làm được điều này, trước tiên bạn phải cho khách hàng thấy được ai là chủ sở hữu của nội dung này, mức độ chuyên môn của tác giả ra sao,… bằng cách:
Tạo sự minh bạch, rõ ràng cho phần tác giả
- Mỗi bài viết nên để rõ họ tên tác giả, không nên để tên dạng chung chung như Admin.
Ví dụ: Với hai kiểu để tên tác giả như bên dưới:
+ TH1: Chỉ để tên chung là Admin, người dùng không biết được chủ sở hữu của bài viết này là ai, kiến thức chuyên môn của họ ra sao,… nên sẽ nghi ngờ về mức độ chính xác của nội dung.
+ TH2: Tên tác giả được đặt rõ ràng và kèm hình ảnh giúp tạo được độ tin cậy cao hơn cho người đọc. Đồng thời, điều này còn giúp cho nội dung bài viết có tính minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
- Thêm thông tin giới thiệu về tác giả: nếu tác giả của bài viết là một chuyên gia trong lĩnh vực của họ, bạn cần cho khách hàng và Google thấy được điều đó thông qua các thông tin giới thiệu.
Ví dụ: Sau khi nhấp vào tên tác giả Izzi Smith bên trên, bạn sẽ được dẫn đến một trang khác giới thiệu chi tiết người viết bài.
- Ngoài ra để Google và người dùng có thể xác minh các thông tin trong phần giới thiệu và trình độ chuyên môn, thẩm quyền của tác giả, bạn nên đặt các liên kết hoặc thông tin liên hệ như: email, link mạng xã hội,… của tác giả.
Sau khi đảm bảo được sự rõ ràng cho chủ sở hữu nội dung, bạn áp dụng thêm những cách sau để nâng cao yếu tố Thẩm quyền cho bài viết:
Dẫn nguồn uy tín cho bài viết
Dẫn thông tin, số liệu từ các trang web uy tín là một cách để cải thiện yếu tố Thẩm quyền của nội dung. Vì vậy khi xây dựng Content Marketing bạn cần tìm kiếm các đánh giá, tài liệu tham khảo, khuyến nghị của các chuyên gia, bài báo và các thông tin đáng tin cậy trên những website uy tín để dẫn vào bài viết.
Bởi lẽ khi một người dùng đọc được các nội dung có dẫn chứng rõ ràng và minh bạch, họ sẽ dễ dàng kiểm chứng được nguồn gốc của thông tin, giúp tăng niềm tin đối với nội dung đó và cả thương hiệu.
Ví dụ: Trong một bài blog của GOBRANDING, để người đọc tin tưởng hơn về những gì tác giả đưa ra, bài viết đã kèm theo dẫn chứng từ Search Engine Land (một website được đánh giá là có uy tín trong lĩnh vực SEO).
Xây dựng liên kết từ những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền
Chưa cần đề cập đến E-A-T, khi một website nhận được backlink từ các trang web uy tín đã là một điểm cộng lớn để cải thiện vị trí xếp hạng trên Google. Trong khi đó để đánh giá yếu tố Thẩm quyền trong E-A-T, Google chủ yếu dựa vào các liên kết đến từ những trang có thẩm quyền cao như: các trang của chính phủ, các tổ chức có uy tín (bệnh viện, phòng khám lớn, viện nghiên cứu,…).
Ngoài ra nhận được backlink từ những cá nhân có tiếng nói, tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực cũng là cách để nâng cao tính thẩm quyền cho nội dung của bạn.
Ví dụ: Nội dung trên website của bạn viết về chủ đề bệnh đau dạ dày. Sau đó được một bác sĩ đầu ngành chia sẻ lại nội dung này thì tính thẩm quyền của bài viết càng được nâng cao.
Nhận được backlink từ những cá nhân, tổ chức uy tín là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn khi xây dựng content marketing, nhưng không phải ai cũng làm được điều này. Cho nên, nếu không nhận được các backlink có thẩm quyền cao, nội dung của bạn nên được chia sẻ rộng rãi, chân thực và nhất quán trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy tính thẩm quyền của website ngày càng tăng.
Được đề cập ở những trang như Wikipedia
Ngoài yếu tố backlink thì việc được đề cập ở những trang như Wikipedia sẽ giúp doanh nghiệp của bạn trở nên có danh tiếng và đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên để xuất hiện ở những trang này, nội dung của bạn phải chất lượng và bạn phải có tiếng nói trong ngành của mình.
Ví dụ: Khi GOBRANDING được nhắc đến và dẫn link trong các nội dung của Wikipedia sẽ giúp website của GOBRANDING trở nên uy tín và có thẩm quyền hơn.
3.3. Trustworthiness – Đáng tin cậy
Niềm tin trên nội dung thường được thể hiện qua trải nghiệm khách hàng trên chính nội dung đó, bao gồm các yếu tố về UX/UI và chất lượng bên trong nội dung. Vì vậy, nội dung đáng tin cậy trên website trước tiên cần đảm bảo tính chuẩn xác, sau đó kết hợp với các cách khác để tăng độ uy tín cho website.
Cập nhật nội dung thường xuyên
Cập nhật nội dung là công việc cần được thực hiện thường xuyên trên website. Bởi theo thời gian, nội dung của bạn sẽ dần lỗi thời, không còn phù hợp với hiện tại, cho nên khi khách hàng truy cập vào sẽ khó lòng đặt niềm tin vào những thông tin không còn chính xác nữa. Bên cạnh đó, Google luôn muốn mang lại cho người dùng những thông tin mới và chất lượng nhất, nên những nội dung cũ khó có thể trụ vững trên bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm, bị thay thế bởi các nội dung tốt hơn.
Một số cách cập nhật nội dung để cải thiện E-A-T cho bài viết gồm:
- Cập nhật bởi một người có chuyên môn và thẩm quyền cao hơn.
- Bổ sung các trích dẫn, số liệu từ chuyên gia, website uy tín.
- Chỉnh sửa lại các lỗi ngữ pháp, chính tả, cấu trúc bài viết.
- Bổ sung thêm các thông tin mới để nội dung sâu sắc và độc đáo hơn.
- Bổ sung hình ảnh, biểu đồ hấp dẫn hơn, đồng thời tối ưu theo các tiêu chuẩn trong SEO.
Nếu thứ hạng website của bạn đang giảm, hãy thử áp dụng những cách tối ưu nội dung mà GOBRANDING giới thiệu bên trên để cải thiện.
Tăng các đánh giá tích cực về doanh nghiệp
Có quá nhiều phản hồi tiêu cực trên website hay các kênh truyền thông liên quan đến doanh nghiệp là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp, thương hiệu và chất lượng website của bạn kém.
Vì vậy, bạn nên tăng cường các đánh giá tốt cho doanh nghiệp trên các nội dung bài viết, mạng xã hội, Google My Business, các website được tin tưởng trong ngành.
Ví dụ: Nếu website của bạn kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực bạn có thể cải thiện đánh giá của mình trên các trang như Foody.
Hiển thị đầy đủ các thông tin của doanh nghiệp
Các website không cung cấp cho khách hàng thông tin liên hệ được xem là những trang web không đáng tin cậy. Đặc biệt đối với các trang YMYL, thông tin liên hệ là điều hết sức cần thiết và quan trọng.
Ví dụ: Một ngân hàng cho phép người dùng thực hiện các giao dịch trên môi trường trực tuyến, nhưng trên website lại không hề có bất kỳ thông tin liên hệ hay hỗ trợ nào cả. Vì vậy, khi một giao dịch thực hiện không thành công hay khách hàng muốn được hỗ trợ rất khó để liên lạc được với doanh nghiệp.
Cho nên để tăng niềm tin cho khách hàng trên website, bạn cần bổ sung ít nhất vài thông tin liên hệ cơ bản như địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email,…
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng thêm những cách sau để tăng niềm tin cho khách hàng:
- Sử dụng địa chỉ https để tăng cường an toàn cho trang web.
- Cung cấp cho khách hàng những cam kết về bảo mật thông tin của họ khi truy cập vào website.
- Nếu là nội dung mô tả sản phẩm, bạn nên cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về sản phẩm cho khách hàng.
- Nếu là nội dung chia sẻ kiến thức bạn cần minh bạch và rõ ràng tác giả là ai, thông tin trích dẫn được lấy từ đâu,…
Google không muốn khách hàng của họ đọc phải những thông tin sai lệch, không uy tín, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính và hạnh phúc của người dùng. Cho nên, xây dựng Content Marketing theo các tiêu chuẩn của E-A-T giúp bài viết của bạn được khai thác một cách bền vững và lâu dài.
Kết luận
GOBRANDING vừa giúp bạn hiểu được E-A-T là gì? Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để Google xếp hạng website của bạn trên kết quả tìm kiếm. Khi tối ưu website theo các tiêu chuẩn của E-A-T, bạn sẽ xây dựng Content Marketing cho website thật chất lượng, cung cấp cho người dùng những thông tin chính xác và đáng tin cậy nhất. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực Web Marketing, một nguyên lý mà GOBRANDING đúc kết được là: “Bạn hãy cố gắng chăm sóc người dùng của mình thật chu đáo, Google sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng”.