Công Nghệ CIT xin tổng hợp và phân tích một số xu hướng trong xây dựng thương hiệu mới nhất.
1. Tăng trải nghiệm thương hiệu
Một xu hướng nổi bật trong những năm qua là sự chuyển hướng từ “thương hiệu” sang “trải nghiệm thương hiệu”, tức là thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc tạo ra và trưng bày một hình ảnh cố định, mà liên tục gia tăng các tương tác giữa khách hàng với hình ảnh thương hiệu đó qua các hoạt động quảng bá mang tính cá nhân hóa. Từ đó hình ảnh thương hiệu sẽ được khắc ghi sâu hơn trong tâm trí khách hàng. Chẳng hạn như hãng xe hơi Mercedes hay hãng đồng hồ Rolex đã chế tác sản phẩm của mình theo nhu cầu khách hàng, đưa quá trình tương tác với khách hàng lên trước cả giai đoạn sản phẩm được hoàn thành.
Các thương hiệu tiêu dùng cũng không nằm ngoài xu thế này, khởi đầu từ Cocacola với việc in tên khách hàng lên chính nhãn chai theo đúng font của thương hiệu, giữ nguyên guide line và dấu hiệu nhận diện. Khi đó, tên thương hiệu không xuất hiện nhường chỗ cho trải nghiệm thương hiệu của người dùng tăng lên, gắn kết thương hiệu với khách hàng lâu bền hơn.
Trải nghiệm thương hiệu cũng không dừng lại ở sản phẩm đến tay người tiêu dùng như thế nào, mà còn mở rộng ra các giá trị gia tăng khác bên ngoài sản phẩm. Ví dụ như việc các thương hiệu thâm nhập cả vào đời sống tinh thần và giải trí của khách hàng.
2. Hiện diện một cách có ý nghĩa
Đi cùng với việc tăng trải nghiệm thương hiệu là xu hướng ý nghĩa hóa sự hiện diện của thương hiệu. Nếu như trước đây, người ta quan tâm nhiều hơn tới việc hiện diện ở càng nhiều kênh càng tốt (multichannel) thì ngày nay việc hiện diện có ý nghĩa tại mỗi kênh đó (omnichannel) lại quan trọng hơn. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cần tăng tính tương tác và gắn kết với khách hàng hơn thông qua mỗi kênh mà mình hiện diện.
Năm qua cũng chứng kiến sự lên ngôi của các công cụ “lắng nghe cộng đồng mạng” (Social listening) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp biết được khách hàng đang nói gì về mình, đồng thời khởi tạo các cuộc trò chuyện thực sự với họ, từ đó phục vụ và mang lại trải nghiệm thương hiệu tốt hơn.
3. Bao bì trở thành một thương hiệu mở rộng
Đóng góp vào trải nghiệm thương hiệu không thể không kể đến Bao bì. Các thương hiệu lớn đã biến việc mở hộp bao bì (unboxing) trở thành một trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Bạn có thể thấy rõ điều này trong trường hợp các sản phẩm đồ công nghệ. Bạn có tưởng tượng được đã có bao nhiêu video clip về việc mở hộp Iphone, Wacom Intous, Samsung… được upload lên Youtube và được chia sẻ trên mạng xã hội?
Như vậy, bao bì không chỉ đơn giản chỉ để bảo vệ và vận chuyển sản phẩm, nó cần được thiết kế để đem lại một trải nghiệm tốt cho khách hàng khi nhận được sản phẩm, và tốt hơn nữa là cho họ lý do để giữ lại và tái sử dụng lại bao bì đó cho một trường hợp khác mà trong đó thương hiệu được hiện diện một cách miễn phí.
4. Yếu tố con người và nhân văn
Ngày nay, khi lòng tin vào quảng cáo trở nên giảm sút so với trước kia, các thương hiệu cần phải khiến cho mình trở nên đáng tin cậy, với uy tín được xác thực nhất có thể. Một xu hướng là các thương hiệu tăng cường truyền tải những hình ảnh về văn hóa doanh nghiệp và giá trị tinh thần của mình. Khách hàng không chỉ quan tâm tới sản phẩm, dịch vụ mà cả những con người đã làm ra các sản phẩm dịch vụ đó. Đối với các doanh nghiệp mới, vừa và nhỏ, việc tận dụng thương hiệu cá nhân để xây dựng thương hiệu tổ chức được coi là một lợi thế cần khai thác.
Sự thành công của thương hiệu mỹ phẩm Michelle Phan là một ví dụ, sản phẩm mang tên cô rõ ràng được đảm bảo nhờ uy tín của vlogger chuyên về mỹ phẩm sở hữu kênh Youtube với 8.3 triệu người đăng kí. Sự nổi lên của thương hiệu Tom’s shoes hay Studio 189 cũng là ví dụ tương tự, khi nó được bảo trợ bởi trang Vogue danh tiếng.
5. Tính cộng đồng
Các doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc xây dựng các cộng đồng sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình, gắn kết lại với nhau nhờ một giá trị chung trùng với giá trị doanh nghiệp theo đuổi. Việc xác định được giá trị cốt lõi riêng từ đầu là hết sức quan trọng để định hướng cho sự xây dựng các cộng đồng này. Chính các cộng đồng là nơi gắn kết cảm xúc của khách hàng với thương hiệu, khiến họ trung thành với thương hiệu hơn, vì từ bỏ thương hiệu đồng nghĩa với việc từ bỏ một giá trị mà họ đã mặc định thuộc về mình..
Qua bài viết này, Công Nghệ CIT hi vọng đem đến cho bạn những thông tin hữu ích cho việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Để nhận được những tư vấn cụ thể, bạn có thể liên hệ với các chuyên gia của chúng tôi.